Đến với Hạ Long bạn sẽ được thưởng thức những sản vật nổi tiếng nơi đây như món Ruốc lỗ Hạ Long. Ruốc lỗ là một loài thuộc họ bạch tuộc nhưng lại có những con chỉ nhỏ bằng ngón chân cái đứa trẻ, người ta gọi chúng là con ruốc, đào lỗ dưới bùn, nơi bãi vẹt bãi sú, sống nhút nhát cạnh miệng lỗ nên còn gọi là con ruốc lỗ.
Cái lúc mà cả nước còn đói kém, ở chỗ rạp Bạch Đằng (xưa là TX Hòn Gai, nay là TP Hạ Long), thỉnh thoảng người ta thấy một ông già đầu đội mũ lá, vai đeo một cái giỏ hình trái bí đao to, đi rong rao mời mọi người mua ruốc lỗ. Hỏi, được biết ông ở mạn huyện Hoành Bồ ra. Cũng chẳng mấy ai dám mua, bởi trong túi không có tiền, mà đây lại thường là thứ để ăn chơi. Nhưng cũng có lúc phải mua được chứ! Những con ruốc lỗ màu xám có ánh xanh, còn sống nguyên, giác của chúng bám chặt lấy thành giỏ, muốn kéo nó ra, phải giằng. Ông bán theo con, bán chục, gắng mua lấy chục con…
Hòn Gai, đường phố cây dâu da xoan khá sẵn, vặt lấy một nắm lá về rửa sạch lót đáy nồi, rồi bỏ ruốc lỗ cũng đã rửa sạch vào, đậy vung, khi sôi thì xóc đều chúng lên vài lượt. Những con ruốc lỗ khi chín chúng trở nên màu hồng, các giác bám quăn ngược lại thành những vòng tròn nhỏ, nhìn giống như một bông hoa nhiều cánh, thật đẹp.Pha mắm tôm chanh đường ớt tỏi, đánh cho ngấu bọt. Lấy ruốc mà chấm với thứ ấy, mới ngon làm sao! Nếu xôm, có khế chua chuối chát ăn kèm, có rượu quốc lủi nhâm nhi thì… ở đời cũng chỉ cần đến thế mà thôi.
Lại nhớ một thời làm báo lang thang về vùng Quảng Yên (huyện Yên Hưng) vào đúng mùa ruốc lỗ đang có trứng, dân gọi là ruốc cơm xôi. Người đã trở thành thiên cổ từ lâu – anh Ngô Xuân Gô, lúc ấy là Trưởng phòng Văn hoá huyện rủ về nhà uống rượu. Những người phụ nữ ”quân” của anh và chị vợ anh làm món ruốc cơm xôi đãi. Đĩa ruốc cơm xôi thật đa màu, gợi cảm: Có màu xanh mát của khế chua, màu phớt trắng của chuối chát, màu hơi tím của lá mơ, màu ngắt xanh của lá đinh lăng, màu phớt hồng của ruốc và đặc biệt, màu trắng của những ”hạt cơm xôi” ở mình con ruốc bị cắt ngang… Tất cả đã được trộn lẫn với mắm tôm ớt tỏi vừa ăn. Bánh đa nướng giòn, bẻ ra ăn kèm, thỉnh thoảng nhấp hớp rượu ngán, mới ngon, mới bùi làm sao!… Ồ mà, không nhớ bữa ấy cuối cùng mình có ăn cơm không, hình như không ăn, sao không thấy háo, chỉ thấy một sự thoả mãn ngập tràn.
Bạch tuộc, hay con bạch tuộc con mà người ta cứ gọi chệch sang là con ruốc, thứ ấy có sẵn hơn, luộc ăn thịt dai, hơi nhớt. Trong khi ruốc lỗ không có nhiều, thậm chí là khan hiếm. Vì thế ruốc lỗ đã trở thành đặc sản. Ở Hoành Bồ có quán bán. Cái quán mà trong bài viết về ”Cá nhệch rau sam” đã viết – quán của chị Mỳ: ”Đi qua cầu Trới chừng ba – bốn trăm mét, đến ngã ba đường rẽ vào xã Lê Lợi, theo đường đó đi thêm hơn trăm mét nữa thì đến…”.
Ruốc lỗ, thì hẳn, ở Hoành Bồ. Có những người như ông lão nọ và nay có thêm không ít người khác nơi đây đã mưu sinh bằng nghề bắt ruốc lỗ. Hồi hôm đi với Anh-ân-nhân vào quán chị Mỳ đó, mới biết thêm ruốc lỗ Hoành Bồ không luộc bằng lá dâu da xoan hay lá mít, mà luộc bằng lá ổi và lá chùn mũn. Lá ổi hẳn ai cũng biết, song lá chùn mũn? Nó là một thứ lá hoang dại ở rừng, nhấm thử, có vị chua na ná như lá sấu, hình thù cũng hơi giống lá sấu, nhưng nhỏ hơn, màu xanh thẫm hơn, cứng hơn. Có thể nhờ hai loại lá hoang dại này chăng (lá ổi cũng vặt ở rừng về), mà ăn miếng ruốc lỗ luộc Hoành Bồ thấy nó giòn, ngọt, thơm, bùi. Ruốc-bạch-tuộc, thậm chí ruốc lỗ Hoành Bồ đã không ít lần ăn, nhưng vẫn không thoát khỏi cảm giác dai, hơi nhớt, sao lần này ăn ở quán chị Mỳ không thấy? Rõ ràng là khâu chế biến đã quyết định tăng độ ngon của món ăn